24 August, 2017
Đăng bởi: BÙI ĐĂNG HUYNH
Bạn là người thích kinh doanh với một số vốn nhất định và bạn có ước mơ làm chủ một quán trà sữa... Nếu đúng như vậy thì đây là một quyết định rất hợp thời bởi mở quán trà sữa là mô hình đang ăn nên làm ra và là ngôi sao mới của ngành dịch vụ ăn uống! Tuy nhiên, nếu là “lính mới” thì bạn nên cẩn trọng và hãy tham khảo những kinh nghiệm mở quán trà sữa để có bước đi chính xác, không mắc sai lầm và chúc bạn sớm thành công nhé!
1. Xác định đối tượng khách hàng
Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Xác định đúng phân khúc khách hàng sẽ giúp bạn lên kế hoạch kinh doanh chính xác, huy động đủ vốn và thực hiện mô hình hiệu quả.
Bạn xác định đối tượng khách hàng của mình thuộc nhóm nào? Học sinh, sinh viên; các cặp đôi và gia đình hay dân văn phòng? Họ sẵn sàng chi bao nhiêu tiền cho loại đồ uống mà mình yêu thích? Họ thích vị gì và hình thức như nào?...
2. Mở quán trà sữa cần bao nhiêu vốn?
Số tiền cần có để mở quán trà sữa có sự dao động rất lớn tùy thuộc vào mô hình và quy mô bạn định mở, có thể từ 10 triệu cho đến hàng trăm triệu. Bạn có thể bắt đầu ít vốn bằng bán online, nhận ship hàng cho khách order. Cũng tùy vào số tiền ban đầu mà bạn có thể mở một quán nho nhỏ ké bên một cửa hàng lớn hoặc một quán hoàng tráng phù hợp với đẳng cấp khách hàng của mình.
Các khoản chi phí cần tính đến:
- Tiền thuê nhà nếu chưa có (thường tính theo kì hạn tối thiểu 6 tháng)
- Chi phí trả cho việc thiết kế quán hoặc sửa sang lại nếu cần
- Mua trang bị trang thiết bị cần thiết
- Chi phí nguyên vật liệu
- Lương nhân viên, tiền điện nước, tiền thuế
- Chi phí làm giấy phép kinh doanh,
- Chi phí marketing, khuyến mãi..
3. Chọn địa điểm mở quán trà sữa
Sau khi hoàn thành việc phân khúc được đối tượng khách, bạn hãy bắt đầu tìm kiếm địa điểm phù hợp với khách hàng của mình. Đó có thể gần trường học, ở các khu đông dân cư (đặc biệt là chung cư), ở các tụ điểm vui chơi giải trí, khu phố đông đúc.
Bạn có thể tận dụng địa điểm có sẵn hoặc đi thuê. Tuy nhiên nếu giá thuê khu vực đó quá đắt đỏ thì bạn có thể chọn vị trí ít bị cạnh tranh hơn, hoặc lùi vào trong ngõ một chút và kết hợp với kênh bán online cũng rất hiệu quả. Đây là một việc cực kỳ quan trọng, chiếm 70% tỷ lệ thành công khi bạn kinh doanh trà sữa. Bạn nên tìm kiếm và lựa chọn một cách thận trọng trong khi thực hiện bước này.
4. Lên ý tưởng và xây dựng thương hiệu
Nếu bạn có nhiều tiền và muốn “chuẩn” ngay từ đầu thì bạn có thể cân nhắc mua nhượng quyền thương hiệu từ một trong các chuỗi trà sữa lớn: Dingtea, Gongcha, Koi… Ưu điểm của cách này là thương hiệu nổi tiếng, dễ dàng kinh doanh, thu hồi vốn nhanh, yên tâm về chất lượng. Giá của thương hiệu và công thức cũng không nhẹ chút nào, dao động từ vài trăm triệu cho đến tiền tỷ.
Nếu bạn muốn xác định dấu ấn riêng của mình hoặc chi phí không được xông xênh lắm thì bạn có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình. Hình thức này sẽ giúp bạn chủ động trong kinh doanh và tiết kiệm vốn đầu tư để chi trả cho các khoản phí xây dựng và duy trì quán.
Bạn có thể chỉ tốn khoảng 5 triệu để thiết kế bộ nhận diện thương hiệu còn lại phần lớn là chi phí thiết kế và thi công cho quán.
5. Thiết kế và trang trí quán trà sữa
Ngày nay nhiều người đến các quán trà sữa hay cafe không chỉ để uống nước mà còn để check-in. Vì vậy trang trí quán trà sữa trang trí đẹp, lung linh khi lên hình chắc chắn sẽ thu hút nhiều người. Bạn có thể tự thiết kế hoặc thuê các đơn vị thiết kế chuyên nghiệp cho quán của mình. Giá khoảng 200.000/m2 cho việc thuê thiết kế, tương đối cao nhưng đổi lại bạn sẽ có một không gian đẹp.
Sau khi đã có bản thiết kế, bạn tiếp tục đầu tư cải tạo quán dựa theo bản vẽ đề ra. Nếu có thể, bạn nên trực tiếp giám sát việc thi công để đảm bảo tiến độ và hạn chế tối đa thất thoát.
6. Đi học công thức pha chế trà sữa
Bạn nên tham gia một khóa học pha chế trà sữa uy tín để nắm được menu hoàn chỉnh và ngon nhất, đồng thời học hỏi các kinh nghiệm kinh doanh và lấy các contact để các bước chuẩn bị mở quán thuận lợi hơn. Bạn sẽ nắm được mở quán trà sữa cần những gì, từ đó chuẩn bị tốt nhất cho quán.
Một menu hoàn chỉnh nên được chia thành các nhóm đồ uống cụ thể, cho khách hàng nhiều sự lựa chọn với từ 30 món trở lên, với các món đồ uống thịnh hành và đa dạng về hương vị, topping.
Bật mí: Đôi khi, 1 cốc trà sữa không topping lãi không được nhiều, nhưng nếu thêm topping vào bạn sẽ có thể bán với giá cao hơn khá nhiều so với tiền nhập loại topping đó.
7. Chuẩn bị máy móc, nguyên liệu cho quán trà sữa
Bạn tham khảo bài viết Mở quán trà sữa cần chuẩn bị máy móc, nguyên liệu gì?
- Máy móc làm trà sữa: Máy dập nắp, Bình ủ trà, Nồi nấu trà, Máy xay đá, Máy làm lạnh, Máy làm đá, Máy định lượng đường
- Nguyên liệu pha chế trà sữa: Trà, hương liệu, topping…
8. Đăng ký mở quán
Nếu bạn bán hàng rong (kiểu như bạn đẩy xe bán trà sữa đi bán vậy) thì không phải xin phép ai nhưng vẫn phải “làm luật” với người địa phương. Nếu bạn chỉ kinh doanh vỉa hè như có quầy và ghế thì bạn vẫn phải xin phép bên phường. Còn trường hợp đã có quán ở địa điểm cố định thì tất nhiên phải làm thủ tục pháp lý và có giấy phép.
Nếu bạn muốn làm ăn lâu dài thì không bao giờ được bỏ qua thủ tục pháp lý. Hãy hoàn thiện tất cả giấy tờ liên quan đến kinh doanh trước khi mở quán để tránh những rủi ro sau này.
9. Tuyển nhân viên và lên quy trình hoạt động cho quán
Nếu đã có kiến thức về pha chế trà sữa, việc tuyển người của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Bạn cũng sẽ thuận tiện hơn trong việc giám sát và điều hành nhân viên.
Tùy vào hình thức hoạt động, bạn có thể chọn loại hình thuê toàn thời gian hoặc bán thời gian. Về cơ bản, pha chế trà sữa không khó nên bạn có thể thuê nhân viên mới và về đào tạo lại. Còn nếu quán có quy mô nhỏ, bạn hoàn toàn có thể trở thành pha chế chính của quán.
Hãy bắt đầu từ việc huấn luyện nhân viên: về pha chế, phục vụ, thanh toán và cung cách phục vụ. Nhân viên chính là cốt lõi để 1 quán vận hành thành công.
Bạn cũng nên lựa chọn Phần mềm bán hàng và quản lý quán trà sữa để luôn theo dõi doanh số bán hàng, biết được thu-chi, hàng tồn và lợi nhuận cho dù bạn có mặt ở quán hay không.
Để cho chắc chắn nhất, trước khi khai trương bạn nên cho quán chạy thử. Bạn có thể mời bạn bè hoặc mở cửa đón khách nhưng chưa khai trương chính thức. Việc này sẽ giúp bạn quan sát và tìm ra các lỗ hổng trong vận hành, cũng như chuẩn bị sẵn sàng nhất cho đợt khai trương đông khách sắp tới.
10. Lên kế hoạch marketing cho quán
Khai trương là giai đoạn QUAN TRỌNG NHẤT để quyết định quán có đông khách hay không. Nếu thu hút được 1 lượng khách lớn vào ngay thời điểm này, cộng với đồ uống ngon và thái độ phục vụ tốt, bạn sẽ duy trì được 1 lượng khách quen ổn định trong thời gian sắp tới.
Vì vậy, việc lên kế hoạch marketing là hết sức quan trọng. Quy trình này sẽ gồm 2 phần:
* Tổ chức một chương trình ưu đãi hay khuyến mãi
1 số gợi ý cho bạn:
- Mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1…
- Giảm giá theo %
- Khách mời nổi tiếng tham gia khai trương
- Miễn phí hoặc tặng kèm đồ ăn/đồ uống
- Ưu đãi cho 100 khách đầu tiên tới quán
* Quảng bá cho chương trình
Bạn đã có chương trình, việc tiếp theo cần làm là làm cho càng nhiều khách biết tới chương trình của bạn càng tốt. Bạn có thể tham khảo các kênh sau:
- Phát tờ rơi
- Quảng cáo trên mạng xã hội: Facebook, Instagram
- Quảng cáo trên các trang báo online nổi tiếng: Kenh14, Zing news
- Quảng cáo trên các website hay ứng dụng về ẩm thực: Foody, Lozi…
- Truyền miệng qua bạn bè, qua người nổi tiếng giới thiệu..
- Hợp tác với các trang bán deal như: Hot deal, Mua chung...
Có rất nhiều cách để quảng bá cho quán của bạn. Hãy cân nhắc để lựa chọn trên 2 tiêu chí là Ngân sách bạn có và Đối tượng khách hàng bạn hướng tới phù hợp với hình thức nào.
Chúc các bạn thành công!